Hydroquinone (HQ) là hoạt chất tiêu chuẩn trong điều trị nám và đương nhiên cũng xuất hiện rất nhiều trong các sản phẩm trị nám. Tuy nhiên bạn có biết Châu Âu đã cấm sử dụng Hydroquinone trong mỹ phẩm? Vậy vì sao HQ lại bị cấm? Khi sử dụng HQ bạn lưu ý những gì? Và liệu có những hoạt chất nào trị nám an toàn hơn để thay thế? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này của BS.
Vai trò Hydroquinone trong điều trị nám:
HQ là chất trị nám được kê đơn thường xuyên nhất trên toàn thế giới và nó vẫn là tiêu chuẩn vàng để điều trị nám da, đặc biệt nám biểu bì (nám mảng). Hiệu quả điều trị HQ thấy rõ sau 5-7 tuần. Vì vậy BS thường kê đơn dùng ít nhất ba tháng và tối đa một năm, vì khi sử dụng thời gian dài các nguy cơ gây hại da sẽ nhiều hơn lợi ích.
HQ ức chế tyrosinase – là enzyme kiểm soát tổng hợp hắc sắc tố melanin, từ đó hạn chế tốc độ tổng hợp melanin. HQ cũng ảnh hưởng đến cấu trúc màng của tế bào hắc tố (melanocytes) và gây chết các tế bào này. Đây là 2 cơ chế chính của HQ trong điều trị nám.
Hydroqunoin 4% là thuốc và phổ biến trên thị trường ở dạng đơn chất hoặc kết hợp:
- Hydroqunoin 4%
- Hydroqunoin 4% + AHA 15% (Glycolic acid)
- Hydroqunoin 4% + Tretinoin 0.05% + fluocinolone acetonide 0.01%
Ngoài ra HQ dưới 2% được phép sử dụng trong mỹ phẩm ở VN và với khả năng dưỡng trắng nhanh, HQ có trong vô số các mỹ phẩm dưỡng trắng da. (Ví dụ: No.5 Obagi,… RESIST Triple-Action Dark Spot Eraser hydroquinone 2% Paula’s choice,…)
Nếu các bạn đang sử dụng các sản phẩm dưỡng trắng, trị nám cũng nên kiểm tra xem có chứa HQ không vì so với hoạt chất khác, đây là hoạt chất có nhiều lưu ý khi sử dụng hơn cả.
Tác dụng phụ và nguy cơ trên da khi dùng HQ
Một chất có tác dụng càng cao thì thường kèm theo những nguy cơ cũng cao không kém và HQ cũng không phải ngoại lệ. BS sẽ giới thiệu lần lượt từng nguy cơ:
- Kích ứng, ban đỏ, viêm da tiếp xúc, nhạy cảm với ánh sáng: Là những tác dụng phụ phổ biến nhất. Các tác dụng này phụ thuộc liều lượng và thường thoáng qua. Các BS da liễu thường cho thoa với liều lượng, tần suất tăng dần để da bệnh nhân dần dần làm quen với thuốc.
- Tăng sắc sau viêm (PIH): Là tình trạng da bệnh nhân bị sạm đi trong thời gian đầu sử dụng thuốc, có thể là hệ quả của phản ứng viêm da âm thầm do tiếp xúc với thuốc. Các da tối màu dễ gặp hơn và duy trì HQ thì tình trạng này sẽ giảm dần theo thời gian.
- Hiệu ứng rebound: Là tình trạng nám bùng phát quay trở lại sau khi dừng HQ. Vì vậy không nên dừng HQ một cách đột ngột. HQ cần được giảm liều từ từ và dùng các hoạt chất ức chế tyrosinas không phải HQ khác để duy trì thành quả điều trị, hạn chế nám quay trở lại.
- Mất sắc tố do HQ : Xuất hiện các đốm sáng màu trên da do HQ gây độc và có thể làm chết tế bào sinh sắc tố melanocyte. Khi sắc tố không được sinh ra nữa sẽ dẫn đến các đốm sáng màu trên da này. Mặc dù tỉ lệ xảy ra rất thấp nhưng rất khó xử lý được tình trạng mất sắc tố này.
- Ochronosis ngoại sinh: Đây là một tác dụng phụ rất hiếm gặp, nghiêm trọng do HQ gây ra khi dùng trong thời gian dài. Ochronosis ngoại sinh biểu hiện bằng sự xuất hiện của những đốm xanh đen, sẫm màu, lành tính và điều trị cũng tốn rất nhiều công sức.
Chính vì thế các cơ quan quản lý ở Nhật Bản, Châu Âu, và gần đây nhất là Hoa Kỳ, đã đặt ra câu hỏi về tính an toàn của HQ. Điển hình là Liên minh Châu Âu đã cấm Hydroquinone trong mỹ phẩm. Điều này đã khuyến khích nghiên cứu về các hoạt chất thay thế để điều trị nám da tại chỗ an toàn hơn.
Các hoạt chất điều trị nám mới hứa hẹn thay thế Hydroqunoin
Ngoài các lựa chọn thay thế cổ điển như vitamin C, Arbutin, Azelaic acid,… mà BS sẽ nói rõ hơn trong một bài viết khác thì dưới đây chỉ là những hoạt chất hoàn toàn mới đã có trên thị trường và hứa hẹn thay thế được Hydroqunoin trong tương lai.
Cysteamine
Cysteamine được sản xuất tự nhiên trong cơ thể và là sản phẩm thoái hóa của axit amin L-cysteine. Cysteamine chỉ có hoạt tính ức chế tổng hợp melanin mà không có khả năng gây độc tế bào melanocyte vì thế không gặp các tác dụng phụ như mất sắc tố.
Gần đây, một số nghiên cứu đã ghi nhận hiệu quả của cysteamine ở những bệnh nhân bị nám da. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi với 40 bệnh nhân, một sự cải thiện đáng kể về tổn thương nám da đã được quan sát thấy so với những bệnh nhân được điều trị bằng giả dược.
Ưu điểm lớn nhất của Cysteamine là chỉ cần dùng 1 lần 15 phút vào buổi tối mỗi ngày sau đó rửa đi. Việc hạn chế tiếp xúc với da cũng giúp hạn chế khả năng kích ứng.
Methimazole
Là một loại thuốc kháng giáp dạng uống được sử dụng để điều trị bệnh nhân cường giáp và đã được chứng minh là có thể gây giảm sắc tố khi bôi tại chỗ.
Methimazole đã được sử dụng cho những bệnh nhân bị nám và tăng sắc tố sau viêm và làm sáng da đáng kể. Methimazole là một chất ức chế peroxidase mạnh ngăn chặn sự tổng hợp melanin.
Methimazole được dung nạp tốt với ít tác dụng phụ trên da tuy nhiên vì nguy cơ hấp thu toàn thân và có thể ảnh hưởng đến chức năng giáp trạng, methimazole chỉ nên được sử dụng trong điều trị nám mà không nên dùng trong mỹ phẩm thông thường.
Hexylresorcinol
Tác dụng ức chế mạnh mẽ tyrosinase và peroxidase và tác dụng kích thích tổng hợp glutathione và E-cadherin g. HR cũng được chứng minh là một chất ức chế tyrosinase vượt trội hơn so với ba chất làm sáng da trên thị trường là Hydroquinone, Kojic acid và chiết xuất cam thảo
Một nghiên cứu về hiệu quả làm sáng da và độ an toàn của kem dưỡng chứa 0,5% HR so với kem dưỡng chứa 2% Hydroquinone. Nghiên cứu bao gồm 15 bệnh nhân và họ được hướng dẫn bôi kem dưỡng da hai lần/ ngày trong 8 tuần trên vùng da tay bị tăng sắc tố.
Kết quả cho thấy, kem dưỡng da chứa 0,5% HR đạt được hiệu quả cải thiện rối loạn sắc tố tương tự như kem dưỡng chứa 2% hydroquinone và cả 2 sản phẩm đều không gây ra tác dụng phụ trong thời gian thử nghiệm.
Flutamide
Flutamide là một chất kháng androgen không steroid ngăn chặn hoạt động của testosterone nội sinh và ngoại sinh bằng cách liên kết với thụ thể androgen.
Chất này thường được áp dụng trong điều trị mụn nhưng nột bài báo gần đây đã đánh giá hiệu quả của flutamide tại chỗ ở những bệnh nhân bị nám da:
Bảy mươi bốn phụ nữ được tham gia vào một thử nghiệm song song, ngẫu nhiên, kéo dài 16 tuần, so sánh flutamide 1% mỗi ngày với hydroquinone 4%.
Tình trạng tăng sắc tố da được cải thiện, và kết quả cho thấy hiệu quả tương tự đối với hydroquinone 4%. Tuy nhiên, điểm số hài lòng của bệnh nhân cao hơn đáng kể ở nhóm flutamide.
Kết luận: Trong nám da HQ vẫn còn giữ một vị thế quan trọng vì hiệu quả cao với giá thành dễ tiếp cận. Tuy nhiên đứng trước nhiều nguy cơ về tác dụng phụ các bạn cần có thái độ đúng với HQ như sau:
- Nếu bạn muốn dưỡng trắng tại nhà hãy tránh xa các sản phẩm có chứa HQ, cân nhắc vitamin C, arbutin, niacinamide,…
- Nếu bạn bị nám không nên tự ý điều trị bằng các sản phẩm không rõ nguồn gốc (rất có thể có chứa HQ), tốt nhất hãy thăm khám và nếu được kê HQ thì hãy tuân thủ nghiêm túc phác đồ do bác sĩ nêu ra. Nếu bạn vẫn không muốn sử dụng HQ có thể trao đổi với BS để có cùng thảo luận các lựa chọn thay thế.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2807702/
[2] https://www.shapiroplasticsurgery.com/blog/hydroquinone-proper-use-produces-beautiful-results/
[3] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18045355/
[4]Markey AC, Black AK, Rycroft RJ. Confetti-like depigmentation from hydroquinone. Contact Dermatitis 1989;20(2):148Y149.
[5]https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6374710/
[6]Chaudhuri, R. K. (2015). Hexylresorcinol: Providing skin benefits by modulating multiple molecular targets. In Cosmeceuticals and Active Cosmetics (pp. 71-81). CRC Press.