có nên nặn mụn không - dr hanh

Có Nên Lấy Nhân Mụn Không? Cách Lấy Nhân Mụn Chuẩn Y Khoa Tại Nhà

Các chuyên gia da liễu thường nhắc bạn không được tự ý cạy nặn mụn là vì mọi người thường không biết nhân mụn nào nên lấy, nhân mụn nào không. 

Và chúng ta cũng dễ lấy mụn sai kĩ thuật, dùng lực quá mạnh dẫn đến tổn thương da và các mạch mạch bên dưới gây thâm, mụn lan tỏa nếu nặn mụn viêm, thậm chí để lại sẹo.

Tuy nhiên nếu cứ để mụn không viêm ở lại trên da thì có thể gặp các vấn đề:

  • Da sần sần do mụn ẩn dưới da làm da không được mịn màng
  • Mụn đầu, đen đầu trắng làm lỗ chân lông bị to ra.
  • Để lâu chúng sẽ có thể khô đi và bám luôn trên da trở thành một nốt ruồi.
  • Các mụn không viêm trở thành mụn viêm.

Bạn cứ tưởng tượng đơn giản, các nhân mụn ở sâu dưới tận trung bì như vậy. Nếu không lấy chúng ra thì chúng biến đi đâu được. 

Vì vậy lấy nhân mụn là một kĩ thuật có lợi nếu được chỉ định đúng và làm đúng.

CÁC LỢI ÍCH CỦA LẤY NHÂN MỤN CHUẨN

  • Lấy hết nhân mụn trên da, tiết kiệm cả tháng đẩy mụn so với dùng BHA/AHA, retinoids.
  • Hạn chế tối đa thâm và tái viêm, sẹo so với bạn tự cạy nặn
  • Giải phóng lỗ chân lông, giúp hấp thu hoạt chất tốt hơn.

MỤN NÀO NÊN LẤY, MỤN NÀO KHÔNG?

  • Các mụn không viêm như mụn ẩn, đầu đen, đầu trắng và các mụn đã “chín” (đã gom cồi mụn, không còn sưng – đỏ – đau) đều có thể lấy đi an toàn.
  • Với mụn viêm đang sưng đỏ đau nhiều thì không nên lấy nhân mụn (như mụn đinh râu, mụn bọc,…). Bạn hãy chờ khi chúng “chín”, có nhân và không còn đau nhức nữa rồi hãy lấy nhân mụn ra. 
  • Các mụn viêm không thấy nhân hay không thấy đầu mụn cũng không được nặn, khi nặn ổ viêm có thể bị vỡ ở dưới da.

BAO LÂU NÊN LẤY NHÂN MỤN MỘT LẦN?

  • Nếu bạn đang trong quá trình điều trị mụn, thông thường BS sẽ yêu cầu bạn tái khám 1-2 tuần 1 lần và nếu có nhân mụn cần lấy cũng sẽ lấy cho bạn luôn.
  • Nếu bạn gặp ít vấn đề về da không có mụn viêm. Cân nhắc đi lấy mụn ẩn 1 lần/ 1 tháng vì thông thường rất khó loại bỏ được hoàn toàn mụn ẩn được bằng các sản phẩm bôi thoa.
  • Thi thoảng bạn mới bị mụn thì bạn có thể tự lấy nhân mụn chuẩn tại nhà 

CÁCH LẤY NHÂN MỤN CHUẨN Y KHOA TẠI NHÀ

Dù chăm sóc da tốt đến mấy thì đôi khi cũng sẽ lên 1-2 cái mụn viêm và cũng không ít bạn chỉ vì táy máy nặn cái mụn đầu đen mà hôm sau nó viêm, sưng lên to đùng.

Vì thế BS cũng hướng dẫn luôn cho bạn cách lấy nhân mụn chuẩn y khoa tại nhà để bạn không phải lo mụn bị thâm lâu, tái viêm sau khi lấy nhân mụn nữa.

Các dụng cụ bạn cần chuẩn bị: Dung dịch sát khuẩn Betadine hoặc Povidine 10%, cồn 70 độ, nước muối sinh lý, dụng cụ lấy nhân mụn, tăm bông

Thời điểm lý tưởng nhất để lấy nhân mụn là buổi tối trước khi đi ngủ

Các bước lấy nhân mụn: 

  • Bước 1: Làm sạch tay và dụng cụ:

Ngâm dụng cụ mụn trong cồn 70% 15 phút

Tiếp đó rửa kĩ tay với xà phòng trong ít nhất 30s (đặc biệt lưu ý móng tay, kẽ tay)

  • Bước 2: Làm sạch 2 bước da mặt: 

Tẩy trang sau rửa mặt với sữa rửa mặt

  • Bước 3: Xông mặt 15 phút để lỗ chân lông nở ra sẽ dễ lấy nhân mụn hơn
  • Bước 4: Sát trùng vùng da lấy nhân mụn.

Bạn dùng tăm bông nhúng povidine/betadine 10% sau đó thoa đều lên vùng da cần nặn mụn và chờ 2 phút.

  • Bước 5: Lấy nhân mụn, có ba cách:
  • Cách 1: Dùng 2 tăm bông ấn và tăng lực dần dần đến khi mụn trồi lên hết chân là được. 
  • Cách 2: Dùng bông tẩy trang/gạc tiệt trùng bọc 2 ngón tay và nặn mụn bằng tay. Bạn ấn xung quanh vùng mụn và cũng phải tăng lực từ từ (70-80% sức) đến khi mụn từ từ trồi hết nhân ra là được.
  • Cách 3: Dùng bộ dụng cụ nặn mụn, bạn cũng vẫn tạo áp lực tăng dần từ từ bằng dụng cụ vào quanh chân mụn và chọn dụng cụ tùy vào kích thước của mụn. Với mụn lớn bạn nên nặn bằng tay. Một số loại mụn như mụn đầu trắng, mụn ẩn sẽ cần đầu kim đâm thủng đầu mụn để tạo đường cho nhân mụn trồi lên dễ dàng hơn.

Một lưu ý chung là không nên dùng quá nhiều lực ngay từ đầu vì có thể làm vỡ các mạch máu dưới da và làm thâm rất lâu. Nếu đã có vết lằn đỏ trên da bạn hãy đổi góc nặn khác.

  • Bước 6: Vệ sinh lại da sau khi lấy nhân mụn

Khi nhân mụn trồi lên da có thể kéo theo các vi khuẩn trong ổ viêm lan ra vùng da lành vì vậy bạn hãy dùng tăm bông chấm povidine/betadine 10% sát khuẩn da như ban đầu và rửa lại bằng nước muối sinh lý sau vài phút.

Tổng kết

Tổng kết lại, việc lấy nhân mụn đúng cách sẽ giúp giải phóng lỗ chân lông, tiết kiệm thời gian điều trị mụn và hạn chế thâm, sẹo so với việc tự cầm cố nặn mụn.

Tuy nhiên, không phải mụn nào cũng nên lấy nhân, nhất là các mụn đang viêm, sưng đau. Việc lấy nhân mụn cũng cần tuân thủ các kỹ thuật đúng để tránh tổn thương da và các mạch máu bên dưới.

Nếu bạn gặp ít vấn đề về da không có mụn viêm, bạn có thể cân nhắc lấy nhân mụn ẩn 1 lần/1 tháng, hoặc tự lấy nhân mụn chuẩn y khoa tại nhà. Nhưng nếu bạn có thắc mắc hay cần tư vấn về việc lấy nhân mụn, nên tìm đến các chuyên gia da liễu để được hướng dẫn đúng cách.

BS Lương Mỹ Hạnh (Dr Hạnh)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *